TIẾNG TRỐNG TỰU TRƯỜNG Ông ngoại viết tặng Khải Văn Tùng tùng tùng… Tiếng trống gọi tựu trường Theo cô giáo em bước Các anh chị lớp trước Vẫy em lên bậc thềm. Tùng tùng tùng Lời mẹ bảo ban em Đây là ngày thứ nhất Sau hăm lăm năm học Con về gánh nước non! Tùng tùng tùng Tiếng bé ghé tai ông – Cố sống chờ Rô-bốt chuyên giúp ông đun nước chở ông lên xem trời! 9-2015 Cao Phương

Một số bài thơ “Trong bước trẻ”

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015

Lời thương

Đêm xưa chợt dở giấc nồng
nghiêng nghiêng bóng mẹ
bổng bồng võng trôi
Cái cò lặn lội…
thương ôi!
dốc kiệt diều để đủ mồi mớm con1.
Mẹ ngồi tựa2 bóng nước non
nghìn xưa dốc dạ cho tròn lời thương

Người đã về với gò sương
con đi chưa trọn chặng đường khúc ru!

Ngó lên Hòn Kẽm mây mù
chứa chan nguồn nước Sông Thu kia rồi!
Vui về đẫy giấc mẹ ơi
nghìn năm sông vọng
bên Người tiếng thương!

Ngày mẹ đi, 27-10-1992    

________
1 chỉ các giống cò có tập quán chứa mồi nuôi con non ở diều,  như cò nhạn, cò ốc (Anastomus oscitans).
Tựa = dựa

Hoàng Sa

Không biết tự bao giờ
Cửa Đại quê tôi
trại thành Cửa Đợi?
đợi chồng con
ngoài cực bắc lưu đồn biên tái
đợi ghe bầu1
từ Lục Tỉnh kéo lèo lên
đợi cái ngày
biển lặng trời êm
ghe tránh bão từ Bãi Cát Vàng
náo nức giác2 về trong ngóng đợi.
 
Cũng từ ấy tuổi thơ tôi
bên những Lũng Cú
Cà Mau …
vời vợi
tiếng ru hời của Ngoại
có Hoàng Sa
dải đảo ngoài tít tắp trời xa
chân chưa đến mà lòng cuộn sóng
Ơi những Phú Lâm, Tri Tôn, Duy Mộng
nỗi muôn trùng dồi dập mãi không thôi
Nhìn trăng liềm da diết đảo xa khơi
nghe tin bão nao nao Đầm Nước Lặng.
 
Ơi Hoàng Sa
tự muôn đời ước hẹn
theo mẹ, theo cha
xuống biển, lên ngàn
Bạch Quy ơi nắng thoáng bóng Rùa Vàng
Chim Én cũng tượng hình chim Lạc.
Là máu mồ hôi nước mắt
của cha ông ngày xưa đi cắm mốc
và dâng trọn cuộc đời để đảo có tên.
 
Ơi Hoàng Sa
có nghe trong tiếng triều lên
tiếng người sống
và người đã mất
tiếng của Trần Văn Phương, Ngụy Văn Thà, Phạm Hữu Nhật…3
về chung tay làm tiếp cuộc xa khơi.
 
Hoàng Sa
Hoàng Sa
phần cơ thể của ta ơi!
giặc dẫu gian manh
không thể nào ngăn nổi
chấp sóng cả, sóng lừng4 thuyền ta lướt tới
cho thịt liền với thịt
máu về tim.
 
19-1-1996
 
___________
1 Một loại thuyền đi biển, người Việt tiếp thu từ người Chăm.
2 Phương pháp chạy thuyền bằng buồm khi gió ngược.
5 Một số nhân vật tên tuổi gắn liền với lịch sử bảo vệ biển đảo Việt Nam.
6 Sóng lừng, loại sóng nguy hiểm nhất đối với phương tiện đi biển, kể cả thuyền gỗ lớn và tàu nhỏ vỏ thép.
* Chữ xiên là tên các đảo, đá, bãi, rạn…ở quần đảo Hoàng Sa.

Dốc Cửu Trấu

Một cái dốc vô danh
bởi đường sắt cắt con đường làng độc đạo1.
Nơi Bà Cửu Trấu đã vào hàng lão
ngồi bán mì – Một con người vô danh.
 
Nhà của bà một túp tre tranh
ở thế chênh vênh
nhô hẳn ra đầu dốc
đã bị quân Mỹ đốt
bà quyết dựng lên tại đó mái lều con.
khổ nỗi cỏ tranh khắp xóm không còn
phải ghép mái lều lá mía
đặt trên bốn cọc tre bắc chéo
có thể tháo ra, lắp lại dễ không.
(đến những năm sau phải lợp ni lông
bởi ruộng mía Mỹ cũng cày, ủi nốt…).
 
Từ đó cái quán mì hiện diện trên đầu dốc
người từ xa nhìn thấy mái lều
hay leo lét ánh đèn con
vui bảo nhau
Mỳ Quảng vẫn còn!
thoảng trong gió lời mời
mùi thơm mộc của quê nghèo thân thuộc.
 
Cũng từ đó
Bà vừa để mắt cái bếp lò
vừa nhìn xa phía trước.
Nếu Mỹ ở đồn Bàu Sấu kéo ra
chếch hẳn phía này
Việc trước hết của bà,  thả cái cối xay
xuống vũng nước hố bom cạnh đấy
Việc tiếp theo, kéo dây kích vào đầu đòn bẫy
hất mái lều khỏi cọc… êm ru
Việc sau cùng, ngồi nhẩm lại
nâm bà oan”,” du du..”.2
chờ chúng đến chuyện trò bằng tiếng
Mỹ bồi sao cho thật hài hòa giữa
miệng với tay và mắt.
 
Khi chúng  quay về
Phải tỉnh táo!
Nếu là về thật
Việc trước hết
khẽ bẩy mái lều vào đầu cọc
Việc tiếp theo
mò vớt cái cối lên
Việc sau cùng
xay bột tráng mì và tìm hái ớt xanh
chờ tiếp khách quen vào thành, lên cứ…
 
Bấy tháng năm
chưa ai tính thử
bao phen bà lặp lại cái trình – chơi
rất giản đơn và cũng rất lạ đời.
 
Cũng không biết tự lúc nào
trên các sơ đồ của quân ta
tiếp sau là quân Mỹ
có chú:
Dốc Cửu Trấu / Cuutrau Slope.
Cái dốc thế rồi cũng được gắn tên
Cái tên nằm lòng khách bộ hành
từ khi có quán mì Cửu Trấu
Chuyến điền dã Điện Hòa, 10-1997
 
____________________________________
1 Thuộc thôn Đông Quang, Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam. .
2 Cách phát âm tiếng bồi của một số từ Anh-Mỹ như :  Numbr One, You…  mà người dân đã học, để dùng trong đấu tranh trực diện với chúng.
 

Khóc anh Bùi Giáng

Cầu tre mấy nhịp chơi vơi
Tuổi già chân yếu
muộn rồi…
lòng se!

Hỏi anh?
– Tiên cảnh đã về
Cuộc chơi đất trích
Trời phê mãn rồi!

Hỏi nàng?
– Nước mắt tuôn rơi.
Bốn mươi năm ấy
tình người đẹp sao!

Hỏi thơ ?
– Ngày não ngày nào
chưa qua đo đếm
đã vào nhân gian.

Nén hương này nghĩa xóm làng
thắp cho anh
sống chứa chan tình đời
Yêu quê, yêu dải lụa ngời
Yêu người, yêu tới phận đời hẩm hiu
Yêu cái đẹp, yêu câu Kiều
Yêu Thi Nương, dẫu phận nghèo dẫu điên.
Chẳng trăm năm cũng là duyên
thơ và đẹp đã kết nguyền tóc tơ
Mới hay từ thuở ban sơ
Tình yêu chớp biển
mạch thơ Mưa nguồn**.

Tiếng thơ vọng khắp nẻo đường
Quê ta nhịp võng canh sương ru hời!
Hố hò khoan!… chuyến đò xuôi
Thầm thì đôi lứa trao lời yêu thương.

Có về trăng nước quê hương?
Ngóng mưa sa lại vấn vương giọng chào!.
10 – 1998

_______________________________________
* Tập thơ xuất bản đầu tiên của Bùi Giáng, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1962
** Các câu chữ viết nghiêng trong bài là của Bùi Giáng.

Dốc Quảng Nam

Thời chống Mỹ
có người vào Cực Nam
khi rời trạm Takpỏ
nói mấy lời cám ơn:
Dốc Quảng Nam
Gan Cách mạng.
Mời anh cùng tôi
theo câu Ngạn ngữ mới
bỏ các tuyến cơ giới
lần dấu cũ đường dây
Tìm người thân từng qua đây
còn nằm đâu đó.
Trong hành trang của chuyến đi
Có:
Tập Kí sự Đường dây
Chương thứ Nhất
có cái tên là Dốc!
1
Dốc ấy quãng đường nghiêng
đã đi là thở dốc;
còn đèo là nhiều dốc cõng đèo nhau.
Cái dẫn giải lạ thường
mà ý vị thay
chấp quên lãng
mãi sục tràn nỗi nhớ!
Núi Quảng Nam không nhất cao
mà chớn chở
tầng bậc cánh cung dồn gấp về đông
từ giọt tranh đến con suối dòng sông
đều chảy dốc1
Từ tuổi ấu thơ đến khi bạc tóc
quay phía nào
cũng choáng mắt chênh chân
Hẹn về Đông Ba2
chạm trán Hải Vân
Đến Cổ Lũy – Cô Thôn3
vướng chân Dốc Sỏi
Ngắm Tiên sa4
Mỏ Diều ngáng lại
Tìm dấu Đam San5
phải dốc Lò Xo.
2
Suốt một thời bộ đội
lắm cam go
luôn đối mặt với đèo với dốc
Khiêm tốn cỡ
Dốc Mít
Dốc Kiền
Thù Đâu
Xã Đốc….
cũng đủ cho mồm với mũi thi nhau.
Đến Dốc Dựng
Dốc Chuồi …
Ông Gấm
Mũi Trâu
chỉ nghe nhắc mồ hôi đã vã.
Dốc Giảm Thọ* vực sâu liền vách đá
Dốc Bà Chờm
gót trước chạm đầu sau
Dốc Đăk Mi dựng ngược
hút trong mây
Dốc Giàng Xay đi tới
ngỡ trở về nơi xuất phát.
Nghe Eo Gió đã thấy lòng thoáng mát
nhưng tới được eo cũng lả eo ơi!

Có dốc leo dưới vòm lá tối trời
thấy đốm nắng mừng thầm
đang tiếp đỉnh!
Nhưng hơn giờ sau
đôi chân như ma men xỉn
vẫn còn trong vòm lá tối trời
Lão Dốc Lừa* kia! Ta đã biết mi rồi!

Có dốc quen
hì hục ngay từ mờ đất
trời xế bóng mới lên ba đợt
muốn lên tiếp
phải đu xuống vực
vắt bám tới đầu
trời như sắp sập
vội bò lên
đá khúc khích cười.
– Dốc Bực* này,
một quyết chẳng thua ngươi!

3
Dốc dốc đèo đèo
người vào, kẻ ngược
anh bộ đội đi dài Đất nước
bụi bazan nhuốm đỏ vùng rừng.
chị dân công đầu đạn pháo trĩu lưng
những chóp núi chao mình
trên bước chân bền bỉ.
làm rộn non ngàn
có anh nhạc sĩ 6
lưng súng vai đàn vượt trước
chờ đây
xin hát tặng mấy bài
tiếng hát vút ngàn mây
rồi lắng xuống
sâu dần trong hố thẳm…
ghi-ta bỗng dổ dồn nhịp trống
người người tay vỗ hát theo anh
gió núi
suối ngàn
giai điệu thúc binh
tiết tấu quân về hối hả!
4
Hành lý lại lên vai
bịn rịn chào nhau
chia ngả.
– Bác đi Thạc Gián,
cô tới Hà Thân?
Khỏi dốc Ô Rây
quê kiểng đã gần!
Nam Phước anh vào,
chị xuôi Ái Nghĩa?
Dốc Ông Thủ* quá chân,
đến Giao Thủy
theo đò đêm về các phía!

– Em dừng Hương Quế,
bạn thẳng Kế Xuyên?
Răm, Ri, Liêu nhắn gọi mẹ hiền
bám giữ ngõ nhà chờ, đón!

– Nọ tới Nam Vân,9
nớ vào Bến Ván?
Dốc Thanh Niên* mời bạn
Ba lý tang tình
mà nghe…
ta về
Bến hẹn người thương!

Đây Đồng Làng
Đồng Nghệ
Đồng Dương…
chưa mấy thênh thang
đã ngỡ ngàng hẩng bước
Người náo nức
Cù Lao
Non Nước…
Người lặng bên trời
Dốc Nhớ *
Đèo Mong!*

4-2000

______________________
1 Nước chảy dốc” chữ dùng ở mục Phong tục của Đại Nam nhất thống chí. Quốc sử quán Triều Nguyễn.
3 Ở Huế
4 Ở Quảng Ngãi.
5 Bãi biển ở Sơn Trà.
6 Nhân vật sử thi Tây Nguyên
7 Anh Thanh Đính, nghệ sĩ thanh nhạc.
8 tên cổ của Cây Trâm – Chợ Trạm.
* Các địa danh, tên dốc, tên đèo và câu trích viết chữ xiên, trong đó có tên dốc, tên đèo mới xuất hiện trong thời gian 1945-1975, kể cả tên do người đi đường tự đặt, thêm dấu*

Trường Giang

Gửi Thu Hà

Con sông nhỏ quê mình
cũng mang tên Trường Giang*
kéo chuyện chúng mình
dài theo uẩn khúc

từ hai cửa sông
ngày ngày hai con nước
trốn tìm nhau trong xa vời hun hút
đến vãn triều
lại xa lút Bằng Than…
cứ thế
bồi thêm những bước nhỡ nhàng!

Hỏi có ai vừa kịp lớn
hiểu trọn mình
hiểu bạn
hiểu mối tình đầu?
lời chẳng nên lời
thăm thẳm những tầng sâu
nhẹ hều vậy
mà mỗi anh trót đời không mang nổi!

Bấy tháng năm
vớí sông dài chống chỏi
biết mấy ai ơi! sóng lộng với mưa nguồn
đến với trái lòn bon môi mọng Khe Dung
về Bãi Rạng sóng tay ai đùa vẫy nước
nhưng rốt cuộc vẫn không sao tìm được
thoáng hương sa rạo rực buổi đầu đời!

Chạm hoàng hôn
mạn ván rã rời
ơi hỡi bờ sau bến trước?
chẳng thể nào quên
chẳng gì xoá được
vết hằn bẩm máu giữa con tim!

Khi con cháu mảng vui
với những cuộc trốn tìm
khi Trường Giang
con sông nhỏ thời non trẻ
hai ngọn nước ngày đêm
từ khơi xa
miệt mài
lặng lẽ
chở cát về
bồi tích chuyện trăm năm

9 – 2000

____­­­­­______________
* Sông Trường Giang (Quảng Nam) khi triều lên, hai con nước từ Cửa Đại và cửa An Hoà cùng lên theo hướng đối nhau. Khi vãn triều lại rút về hai cửa biển ấy.

Xa và gần

Hồi xa, đầu ngõ cũng xa
Hồi gần, Bến Điện La Qua1 cũng gần.
Dân ca Quảng Nam

Làm sao gặp lại…?
tự hỏi hoài
không thể ngủ
dậy ngồi bên cửa sổ chuyện cùng trăng
trăng đầu hạ ngập ngừng trước núi
chắc cũng lòng da diết với người chăng?
 
Làm sao gặp lại?
bạn bầy thời niên thiếu
mờ đất gọi nhau í ới
mở trâu cày
đốt lửa nướng khoai trên đồng se bấc
để bây giờ khi trở gió nhớ nhau.
 
hồi làng có mái trường quốc ngữ
ABC cũng bạn bút nghiên rồi
bị người xếp thứ ba
chỉ sau nhì ma nhất quỷ2
chẳng ấm ức đâu mà
nhắc lại để thương thôi!
 
Làm sao gặp lại?
bao lớp bạn bè đồng đội
về từ nam bắc ngược xuôi
chung một nỗi nhớ nhà nhớ mẹ
no đói chia nhau măng đắng khoai bùi
 
sốt rét trọc đầu vỏ dền là thuốc thánh
đạn nổ bom rền cười hát để vui say
đêm rừng lạnh cùng tựa lưng cho đỡ lạnh
đọc chung thư nhà thư mẹ để yêu nhau
 
Làm sao gặp lại?
những quê nghèo nơi từng gắn bó
bà mẹ làng Lừng tranh bước lủ3 thanh niên
gùi sắn nuôi quân đường đêm sỏi đá
rớm máu đôi chân vẫn nụ cười hiền.
 
người bám đất trên “vùng hủy diệt”4
bao năm dài biết mấy những gian lao
cha phanh ngực trước nòng súng giặc
chết giữa sân nhà tay vẫn nắm đưa cao.
 
ơi chị ơi anh những khi giặc tới
nhường nước
nhường cơm
nhường trọn chiếc hầm
ơi em gái tóc tuổi mười lăm phới phới
cái đêm dẫn quân về
mãi phơi phới tuổi mười lăm…
 
Năm tháng cứ khua tràn nỗi nhớ
tình nghĩa, ôi nói mấy cho vừa
người nằm lại trên dặm dài máu lửa
trong ngục tù… ai về tới mái nhà xưa?
 
thương lắm những ai dãi dầu gió cát
chiến trường xưa bám giữ chưa về!
lời theo gió nhắn người đời cảnh giác!
khi kẻ thù rình rập làng quê.
 
Ơi những người sau chiến tranh còn sống
về những đâu? ai mất ai còn?
đôi chân đi dài già hơn tuổi tác
vẫn ôm giữ lời nhau
từ cái buổi lên ngàn?
 
Ơi người cũ
người đang sống
người đã âm dương cách trở!
có xa xôi chi mấy lòng ta
Xin về lại bên nhau
bằng nỗi niềm thương nhớ
để mọi nẻo hẹn hò
là Bến Điện – La Qua!
 
7- 2003
 
________________________
1 Bến Điện – La Qua, là cách nói trại và gọi liền đôi Bến Điện-La Qua, trong dân gian.
2 Ngạn ngữ..
3 Làng của người dân tộc Kơtu
4 Cách gọi khác về vùng “Bắn phá tự do” (free-fire zone) theo điều lệnh của quân đội Mỹ.

Mẹ đốp*

Ôi đốp chát!
Mà kẻ nhừ đòn người đốp,
cởi tấm lòng như được một lời ban.
Ơi Mẹ đốp!
Người xuất hiện trên đời
đâu chỉ để cho chiếc mõ làng
dài hơi lớn tiếng
mà cần thiết hơn nhiều
bởi có lũ quan tham.
6-2005
_______________________
* Người phụ nữ làm công việc rao mõ .